Sự nghiệp Roger Deakins

1977–1982: Bắt đầu sự nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, Deakins tìm được công việc quay phim, hỗ trợ công tác sản xuất cho các dự án trong khoảng bảy năm.[4] Một dự án ban đầu của ông có tựa đề Around the World with Ridgeway, với công việc ghi hình cho một chuyến đi kéo dài 9 tháng trên du thuyền với tư cách là người tham gia Cuộc đua vòng quanh thế giới Whitbread.[7] Deakins được thuê để quay hai bộ phim tài liệu ở Châu Phi. Tác phẩm đầu tiên là Zimbabwe, là một phim tài liệu về Chiến tranh Rhodesian Bush, còn tác phẩm thứ hai là Eritrea – Behind Enemy Lines, mô tả Chiến tranh giành độc lập Eritrean,[7][8] Ông cũng thực hiện ghi hình các phim tài liệu về nhân chủng học ở Ấn Độ và Sudan.[4]

Trong suốt những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, Deakins đã tham gia vào một số dự án liên quan đến âm nhạc, bao gồm Blue Suede Shoes, một bộ phim tài liệu âm nhạc về bối cảnh của dòng nhạc rockabilly của Anh, bộ phim nhạc kịch Van Morrison in Ireland và bộ phim ca nhạc Return to Waterloo của Ray Davies. Ông cũng đã thực hiện các video ca nhạc ngắn cho Herbie Hancock, Eric Clapton, Marvin Gaye, Tracey Ullman, Madness, Level 42Meat Loaf.[8]

1983–2007: Những thành công đầu tiên

Dự án điện ảnh chính kịch đầu tiên của Deakins là loạt phim truyền hình ngắn có tựa đề Wolcott – kể về một thám tử da đen làm việc ở khu East End của Luân Đôn. Công tác ghi hình cho loạt phim truyền hình ngắn này đã gây ấn tượng với người bạn học cũ và cộng sự thường xuyên của ông là Michael Radford, và đạo diễn này đã đã mời Deakins tham gia dự án phim kịch tính đầu tiên của cả hai, mang tên Another Time, Another Place (1983).[4][9] Tác phẩm được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes và được đón nhận nồng nhiệt; sau đó, Deakins và Radford lại hợp tác với nhau trong Nineteen Eighty-Four (1984), dựa trên cuốn tiểu thuyết 1984 của nhà văn George Orwell;[7] bộ phim được đánh giá cao nhờ màu phim táo bạo, khác thường nhờ sử dụng một kỹ thuật đặc biệt.[4] Deakins là nhà quay phim Viễn Tây đầu tiên sử dụng kỹ thuật này, kể từ đó nó đã trở nên phổ biến và xuất hiện trong các bộ phim như Seven (1995) và Giải cứu binh nhì Ryan (1998). Trong suốt những năm 1980, Deakins tiếp tục làm việc ở Anh với tư cách là nhà quay phim cho các bộ phim như Defense of the Realm (1986), Sid and Nancy (1986), White Mischief (1987), Stormy Monday (1988) và Pascali's Island (1988).[9]

Năm 1991, Deakins bắt đầu hợp tác lâu dài với anh em nhà Coen từ dự án Barton Fink. Anh em nhà Coen đã rất ấn tượng với những đóng góp của Deakins và đã tìm đến ông sau khi người cộng sự trước đây của họ là Barry Sonnenfeld rời đi để theo đuổi sự nghiệp đạo diễn.[4] Phim đã giành giải Cành cọ vàng từ Liên hoan phim Cannes 1991 và Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ đôi đạo diễn nhà Coen,[10] đồng thời mang về cho Deakins nhiều giải Quay phim xuất sắc nhất từ các hiệp hội phê bình phim của New York, ChicagoLos Angeles. Năm 1994, năm Deakins được nhận vào Hiệp hội các nhà quay phim Hoa Kỳ.[4] Ông là nhà quay phim cho The Shawshank Redemption, bộ phim đã mang về cho ông đề cử giải Oscar đầu tiên cho Quay phim xuất sắc nhất và Giải thưởng của Hiệp hội các nhà quay phim Hoa Kỳ đầu tiên.[4] Ông cũng nhận thêm hai đề cử giải Oscar trong thập kỷ đó cho Fargo (1996) và Kundun (1997).[8]

Đối với tác phẩm O Brother, Where Art Thou? (2000) của anh em nhà Coen, Deakins đã dành khoảng hai tháng để chỉnh sửa phần hình ảnh, biến phong cảnh Mississippi xanh tươi thành một màu vàng cháy của mùa thu và khử màu cho phần hình ảnh tổng thể. Thành tích này đã đưa O Brother, Where Art Thou? trở thành phim điện ảnh đầu tiên được chỉnh màu kỹ thuật số toàn bộ,[11] mang về cho Deakins đề cử giải Oscar thứ tư.[12] Năm kế đó, với tác phẩm The Man Who Was not There (2001) của anh em nhà Coen, Deakins đã nhận được đề cử Oscar thứ năm[13] và giành được giải BAFTA đầu tiên cho Quay phim xuất sắc nhất.[14]

2008–nay: Sự công nhận rộng rãi

Deakins tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 83 vào tháng 2 năm 2011

Năm 2008, Deakins nhận được đề cử Oscar thứ sáu và thứ bảy cho The Assassination of Jesse James by the Coward Robert Ford (2007) và Không chốn dung thân (2007). Ông là nhà quay phim đầu tiên đạt được thành tích này kể từ Robert Surists, người được hai đề cử cùng lúc cho The Last Picture ShowSummer of '42 năm 1972.[15] Deakins từng là đạo diễn hình ảnh cho The Reader (2008) của Stephen Daldry nhưng đã bỏ dở dự án giữa chừng do sự chậm trễ và các cam kết trước đó; vai trò này sau đó được Chris Menges thay thế. Hai nhà quay phim đã nhận được một đề cử chung cho Quay phim xuất sắc nhất tại Giải Oscar lần thứ 81.[16] Deakins tiếp tục làm việc với bộ đôi nhà Coen trong Báo thù (2010). Đây là lần hợp tác thứ 11 của cả ba, và dự án này đã giúp ông nhận được đề cử Oscar thứ chín trong sự nghiệp.[17]

Deakins đã ký hợp đồng với tư cách là nhà quay phim cho Tử địa Skyfall (2012) – trước đó đã làm việc với đạo diễn Sam Mendes trong hai dự án Jarhead (2005) và Revolutionary Road (2008).[18] Công việc trong Tử địa Skyfall giúp Deakins đã nhận được một đề cử giải Oscar khác cho Quay phim xuất sắc nhất, nhưng lại để thua Claudio Miranda của Cuộc đời của Pi – đây là lần đề cử thứ mười ông không giành chiến thắng.[19] Ngoài các tác phẩm người đóng, Deakins còn là nhà tư vấn hình ảnh và quay phim cho tác phẩm hoạt hình Rango (2011), đồng thời cũng là nhà tư vấn hình ảnh về các tính năng hoạt hình cho các dự án Rô-bốt biết yêu (2008), Mèo đi hia (2011), Sự trỗi dậy của các Vệ thần (2012), Croods (2013), bộ ba phim Bí kíp luyện rồng (2010, 2014 và 2019)[20]Vivo (2021).[21]

Deakins bắt đầu làm việc với đạo diễn Denis Villeneuve từ dự án Lần theo dấu vết (2013). Cả hai tiếp tục hợp tác trong Ranh giới (2015) và Tội phạm nhân bản 2049 (2017), trong đó Deakins nhận được đề cử Oscar cho cả ba bộ phim.[22] Tác phẩm Tội phạm nhân bản 2049 đã giúp Deakins đã nhận được giải Oscars cho Quay phim xuất sắc nhất đầu tiên trong sự nghiệp – đây là lần đề cử thứ mười bốn của ông.[23] Deakins tái hợp với Sam Mendes trong bộ phim chiến tranh 1917 (2019), được quay và chỉnh sửa theo phong cách one-shot. Với vai trò này, ông đã nhận được giải Oscars thứ hai trong lần đề cử thứ mười lăm của mình.[24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Roger Deakins http://collider.com/ryan-gosling-blade-runner-2-ni... http://www.creativeplanetnetwork.com/dv/feature/sk... http://www.festival-cannes.com/en/archives/1991/aw... http://rogerdeakins.com/ http://www.vanityfair.com/hollywood/2014/09/shawsh... http://awards.bafta.org/keyword-search?keywords=De... http://www.bafta.org/media-centre/press-releases/f... http://features.cgsociety.org/story_custom.php?sto... http://www.nationalboardofreview.org/award-years/2... http://www.devonlife.co.uk/people/roger-deakins-de...